Tư vấn xây nhà hai tầng 40m2 có sử dụng giếng trời

Phòng ngủ của vợ chồng được đặt phía trước mặt bằng có cửa mở ra ban công.
Với căn nhà có tổng diện tích hai mặt bằng là 80m2 với mặt tiền rộng 3,8m, dài 10,5m, kiến trúc sư đã đưa ra phương án thiết kế mặt bằng và nội thất phù hợp.
Hỏi:
Cuối năm nay, vợ chồng tôi dự định xây nhà mới trên nền nhà cấp bốn cũ. Gia đình tôi có bốn người gồm vợ chồng tôi và hai con, nhưng thỉnh thoảng bố mẹ tôi đến chơi, vì thế, ngoài phòng ngủ cho các thành viên trong gia đình, tôi muốn xây thêm một phòng cho ông bà.

Số tiền vợ chồng tôi chuẩn bị là 600 triệu đồng. Ngôi nhà đang ở có diện tích 40m2 với mặt tiền rộng 3,8m, dài 10,5m. Tôi dự định phân chia các phòng chức năng như sau:

– Tầng 1 bao gồm: Phòng khách, phòng bếp, bàn ăn, phòng ngủ cho bố mẹ tôi.

– Tầng 2 bao gồm: Một phòng tắm, ba phòng ngủ cho vợ chồng tôi và hai con.

Mong Kiến trúc sư (KTS) gợi ý phương án thiết kế khoa học, chi phí xây dựng giúp gia đình tôi. Tôi xin cảm ơn!

Trả lời:

Mảnh đất của gia đình có diện tích khá khiêm tốn nên khi thiết kế, KTS cần phân chia và đưa ra giải pháp hợp lý nhất để mỗi không gian đều thông thoáng và đủ ánh sáng. Với ngôi nhà này, KTS sẽ dùng giếng trời để giúp lưu thông không khí bên trong không gian được tốt hơn. Đây cũng là cách tận dụng hiệu quả ánh sáng tự nhiên. Và để tiết kiệm diện tích, KTS sẽ thiết kế giếng trời phía trên cầu thang giữa ngôi nhà.

Về chi phí, số tiền gia đình có không quá nhiều nhưng vẫn đủ để xây dựng một ngôi nhà hai tầng chắc chắn. Hơn nữa, gia đình ở tỉnh lẻ chứ không phải thành phố lớn nên chi phí vật liệu và nhân công sẽ tiết kiệm được nhiều.

Tổng chi phí dự tính là 626 triệu đồng. Cụ thể từng hạng mục như sau:

STT

Hạng mục công trình
Chi phí
(Đơn vị: Triệu đồng)
1
Phần thô
365
2
Gạch
35
3
Đá granit
29
4
Cửa
25
5
Hệ thống điện nước
28
6
Sơn nhà
26
7
Nhôm kính
20
8
Tủ bếp và bàn ăn
18
9
Giường ngủ bốn phòng
22
10
Tủ quần áo
28
11
Sofa và tủ phòng khách
20
12
Cổng và các chi phí phát sinh khác
10

Tổng

626
Dưới đây là phương án thiết kế chi tiết do KTS đưa ra:

*Về phương án thiết kế mặt bằng
– Mặt bằng tầng 1:

Phòng khách là không gian đầu tiên khi bước chân vào nhà. Căn phòng vuông vắn và nhỏ nhắn không chỉ để tiếp khách mà còn có thể làm nơi sum họp, thư giãn cho cả nhà. Phòng bếp và bàn ăn được đặt ở giữa mặt bằng, bên cạnh là cầu thang có giếng trời bên trên.

KTS đặt phòng bếp ở đây là vì giếng trời sẽ giúp không gian nấu nướng được thoáng khí, không bị ám mùi thức ăn. Phòng ngủ dành cho bố mẹ gia chủ hoặc khách đến chơi sẽ được đặt trong cùng để yên tĩnh.

Không gian này cũng sẽ thoáng mát khi có cửa sổ mở ra phía sau và hông nhà. Cạnh phòng ngủ là một phòng tắm khép kín bên trong. Phía trước phòng tắm là phòng vệ sinh cho cả gia đình.

– Mặt bằng tầng 2:

Tầng hai bao gồm ba phòng ngủ. Cả ba phòng có diện tích tương đương nhau, trong đó phòng ngủ của bố mẹ rộng hơn một chút. Phòng ngủ của vợ chồng được đặt phía trước mặt bằng có cửa mở ra ban công.

Phía sau là phòng ngủ của hai con. Đây cũng là nơi học tập và thư giãn của hai con nên KTS sử dụng hệ thống cửa lớn để lấy ánh sáng tự nhiên, giúp các con học tập tốt hơn. Do diện tích khá nhỏ nên cả gia đình sử dụng chung một phòng tắm tương đối thoải mái.

*Về phương án phối cảnh kiến trúc mặt tiền
Mặt tiền ngôi nhà nên được thiết kế đơn giản nhưng vẫn toát lên nét hiện đại và hút mắt. Màu trắng là màu chủ đạo giúp không gian sống rộng hơn thực tế. Tuy nhiên, để tạo điểm nhấn cho ngôi nhà, KTS lựa chọn đá ốp lát hoa văn xanh lá nhạt trang nhã. Hệ thống cửa kính mang lại ánh sáng và nét thanh lịch cho mặt tiền bên ngoài và cả không gian chức năng bên trong.

Một số gợi ý về cách bài trí các không gian chức năng

Phòng khách hiện đại với cách bài trí đẹp mắt


Phòng bếp với bàn ăn gỗ đơn giản, gần gũi

phòng ngủ cho bé
Phòng ngủ sinh động dành cho hai con


Mẫu phòng ngủ dễ thương khác

Trên đây là phương án thiết kế do KTS đưa ra. Chúc gia đình xây được ngôi nhà đẹp như ý.

Cùng Danh Mục:

Liên Quan Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *